Ngõ Cấm Chỉ một nét đặc trưng của thủ đô Hà nội... nghe Lạ mà Quen
Người ta thường nói Hà Nội không chỉ có 36 phố phường, là nơi buôn bán tấp nập và sầm uất. Ngoài ra Hà nội còn có rất nhiều ngõ ngách, mà mỗi một con ngõ gần như đều được gắn với một truyền thuyết và lịch sử, song song với sự hình thành và phát triển của nó.
Ngõ Cấm Chỉ là một trong những con ngõ đó, nó đã có từ lâu đời ở Hà nội và có rất nhiều những câu chuyện truyền thuyết đi cùng với nó theo thời gian, năm tháng...
Ngõ Cấm Chỉ là một con đường ngắn nằm nối giữa phố Hàng Bông và Tống Duy Tân. Thời Pháp thuộc ngõ Cấm Chỉ có tên là Rue Londe, có thời kỳ gọi là ngõ Hàng Bông Lờ, rồi ngõ Hàng Bông và từ sau 1945 cho đến nay lại được trả về với cái tên cũ của nó đó là ngõ Cấm Chỉ.
Tên gọi Cấm Chỉ gắn với nhiều truyền thuyết nhưng được lưu truyền nhất trong dân gian vẫn là truyền thuyết nói về chúa Chổm tức vua Lê Trang Tông (1533 - 1548), tên thật là Lê Duy Ninh.
Trong dân gian truyền rằng, Chổm là kết quả một mối tình vụng chộm của vua Lê Chiêu Tông với một phụ nữ thường dân.
Từ đó bé Chổm đã phải sống trong cảnh nghèo khó không được sung sướng như những con vua cháu chúa khác.
Nhưng đứa con vua rơi rớt này lại có một cái rất đặc biệt đó là khi Chổm ngồi ở đâu ăn quà là hàng nào hàng đó quà bán chạy như tôm tươi và rất đắt hàng.
Bởi thế cậu bé Chổm đi đâu cũng được mời chào ăn uống, nếu không có tiền thậm chí nhà chủ còn cho ghi nợ. Dần dà thành thói quen, lớn lên Chổm kiếm được thì ít mà ăn quà và rượu chè thì nhiều cho nên ở đâu cũng nợ nần chồng chất.
Sau đó, Chổm được Nguyễn Kim đón về lập ngôi và cùng ông này giành lại ngôi vua từ tay nhà họ Mạc.
Khi quay lại kinh thành, bao nhiêu người trước đây cho Chổm ăn nợ nhận ra con nợ của mình thế là ùn ùn kéo tới đòi nợ.
Chúa Chổm chỉ trả được cho một vài người chứ không thể trả được tất cả. Nguyễn Kim là người giúp vua mới bày ra cách miễn thuế hết cho dân vùng đó trong vòng một năm và ra lệnh viết bảng “Cấm Chỉ” ở gần cửa Nam để cấm dân tình sau khi vua đi qua đây thì không được chỉ vào mặt vua mà đòi nợ nữa. Và cái tên “Ngõ Cấm Chỉ” cũng từ đó mà ra, cho nên trong dân gian mới có câu ca dao :
Vua Ngô ba sáu tàn vàng
Thác xuống âm phủ chẳng mang được gì
Chúa Chổm mắc nợ tì tì
Thác xuống âm phủ kém gì vua Ngô ?
Nguồn gốc của cái tên “Cấm Chỉ” ngoài ra còn có một cách giải thích khác nữa. Đó là con ngõ này nguyên là một lối đi vào Dương mã thành, tức là một mang cá của cửa Đông Nam.
Chiếu theo bản đồ cũ, ngõ Cấm Chỉ ở cách cổng thành cửa Nam một quãng không xa, nằm trên con đường từ Hoàng thành ra để qua cửa Đại Hưng.
Con đường này thường có những đoàn quân lính hộ tống nhà vua và các đại thần đi lại, mỗi khi đoàn voi ngựa, lính tráng và kiệu võng rầm rộ trẩy qua thì bị cấm đường, không cho ai qua. Bởi thế mới gọi là “Cấm Chỉ”.
Chỉ là một con ngõ nhỏ nằm trong lòng Hà nội, nhưng với cái tên Cấm Chỉ của nó đã gắn với nhiều truyền thuyết và lịch sử.
Ngõ Cấm Chỉ một nét đặc trưng của thủ đô Hà nội...