Địa chủ - Một khái niệm về giai cấp trong thời kì Cải cách ruộng đất ở Việt Nam
Nguyên nghĩa là "Chủ đất", tức là bất kì người nào sở hữu một diện tích đất đai (trên thực tế, chủ yếu là ruộng để cấy lúa và trồng các loại hoa màu), không phản ánh mức độ sở hữu và cách thức sử dụng số ruộng đất đó. Tuy nhiên, ở nước ta, khái niệm này lại được dùng để chỉ một trong 5 tầng lớp xã hội (hay thành phần giai cấp) ở nông thôn miền Bắc theo phân định của cuộc cải cách ruộng đất (1953 – 1956).
Trước thời điểm trên, trong nông thôn không phổ biến, thậm chí nhiều nơi người nông dân không biết đến khái niệm này, chỉ có khái niệm “người giàu” và “người nghèo”, tức chia người làm ruộng hay sống bằng nông nghiệp dựa trên mức độ sở hữu ruộng đất, nhà cửa, thóc lúa, tiền bạc tích lũy (nếu có). Như vậy, khái niệm “Địa chủ” mà cải cách ruộng đất dùng để gọi người có nhiều ruộng đất và dùng ruộng đất đó để phát canh thu tô xét về phương diện khoa học là không chuẩn xác và không rõ ràng (ở miền Nam trước đây gọi là điền chủ có nghĩa là “chủ ruộng”, dù chưa thật chuẩn, song vẫn hợp lý và sát nghĩa hơn).
Theo phân định của cải cách ruộng đất, địa chủ là những người có nhiều ruộng đất nhất, dùng ruộng đất để cho những người thuộc diện “bần nông cày cấy và nộp lại một phần sản phẩm gọi là phát canh thu tô. Tô thường được tính theo sản phẩm (mức bình quân là 2 thùng, mỗi thùng 13kg thóc khô, thường chiếm khoảng 40 % sản phẩm trên một sào); ngoài ra còn có hình thức thu tô rẽ đôi, tức chia đôi diện tích trước khi gặt. Quan hệ giữa địa chủ - bần nông thông qua “dấu nối” là địa tô là quan hệ kinh tế chủ đạo của nông thôn Việt đến trước cuộc cải cách ruộng đất. Ngoài bóc lột địa tô, địa chủ còn làm giàu bằng cách dùng tiền, thóc cho vay nặng lãi (lãi ngày, lãi tháng, lãi vụ). Khi cho vay thường bắt con nợ cầm cố bằng ruộng đất, tài sản có giá trị, quá hạn không trả được thì “lãi mẹ đẻ lãi con”, đến khi số tiền (thóc) gốc và lãi vượt quá tài sản cầm cố sẽ bị mất nhà cửa, ruộng vườn, hay tài sản có giá trị. Những người thuộc thành phần địa chủ và cả một bộ phận người giàu có không thuộc diện này ở làng Cự Đà (huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, nay thuộc thành phố Hà Nội) là điển hình cho việc cho vay lãi để “siết ruộng, siết nhà” của con nợ, được dân trong vùng đúc kết “Chơi với dân Cự Đà, không mất nhà cũng mất ruộng”.
Cải cách ruộng đất phân định có 3 loại địa chủ:
1. Địa chủ Việt gian, phản động, cường hào ác bá (hay gian ác): là địa chủ vừa bóc lột tàn bạo nông dân, vừa cấu kết với thực dân và phong kiến tay sai chống phá cách mạng, có nhiều tội ác với cách mạng và với nông dân. Tùy tội nặng, nhẹ mà các địa chủ này bị tịch thu toàn bộ hoặc một phần ruộng đất, trâu bò, nông cụ, lương thực thừa, nhà cửa thừa và tài sản khác; các tài sản không tịch thu thì trưng thu.
2. Địa chủ thường là địa chủ làm ăn bình thường, tuy có bóc lột nông dân bằng phát canh thu tô, nhưng không cấu kết với thực dân và phong kiến tay sai để chống phá cách mạng.
3. Địa chủ kháng chiến: là các địa chủ có đóng góp nhất định với cách mạng, nhất là trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, kiến thiết đất nước sau cách mạng (1945 – 1946) và kháng chiến chống Pháp xâm lược (1946 – 1954).
Cả địa chủ thường và địa chủ kháng chiến đều bị trưng mua toàn bộ ruộng đất hiện có, cùng trâu bò và nông cụ; giá trưng mua ruộng đất là giá sản lượng trung bình hằng năm của ruộng đất trưng mua; giá trưng mua trâu bò, nông cụ là giá thị trường ở địa phương. Toàn bộ tài sản trưng mua được quy thành tiền, ghi trong một loại công phiếu riêng, được trả lãi 1,5 % mỗi năm. Sau thời hạn 10 năm sẽ hoàn vốn. Ngoài ruộng đất và trâu bò bị trưng thu, các tài sản khác của địa chủ thường và địa chủ kháng chiến được giữ nguyên.
Ở các làng có nhiều người làm nghề thủ công hoặc buôn bán, hình thành các tiểu chủ, có gia sản lớn, mua nhiều ruộng đất và dùng số ruộng này để phát canh thu tô. Khi cải cách ruộng đất, họ bị xếp vào thành phần “Địa chủ công thương”.
Cuộc cải cách ruộng đất đã đánh đổ uy thế của địa chủ, thủ tiêu chế độ sở hữu ruộng đất phong kiến và phương thức bóc lột bằng địa tô. Ruộng đất, nhà cửa, một số gia cụ, nông cụ của họ bị tịch thu, hoặc trưng thu, trưng mua để chia cho những người thuộc thành phần cố nông và bần nông.
Tuy nhiên, do áp dụng máy móc cách làm của nước ngoài, vội vã nhân rộng “cải cách” tới nhiều địa phương, trong khi trình độ dân trí lại thấp, khiến việc thi hành cải cách ruộng đất bị mất kiểm soát, gây ra nhiều phức tạp, nhất là việc một bộ phận nông dân có trình độ nhận thức thấp, vụ lợi ở các địa phương, lạm dụng việc xét và xử địa chủ để trả thù cá nhân, thậm chí xảy ra việc một số người quá khích vu oan và tấn công cả những đảng viên, cán bộ và quần chúng có nhiều công lao trong những năm kháng chiến. Rất nhiều người bị “kê khống” ruộng đất thực có, bị quy sai, không đúng với mức độ sở hữu ruộng đất và cách thức canh tác, nên trở thành “địa chủ”, bị tịch thu ruộng đất, nhà cửa. Sự quá khích này đã gây ra không khí căng thẳng tại nhiều làng quê miền Bắc lúc ấy, ảnh hưởng xấu đến sản xuất, gây phương hại to lớn đến sự đoàn kết ở nông thôn, làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của một bộ phận đông quần chúng và cả cán bộ, đảng viên với Đảng.
Đến khi thực hiện sửa sai theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 10 (tháng 9/1956), nhiều người được hạ thành phần và được trả lại một phần tài sản.