Cái quạt mo vô giá của Thằng Bờm
Bài ca dao Thằng Bờm lâu nay vẫn được giới nghiên cứu nhìn từ góc độ quan hệ trao đổi vật thể không ngang giá để đi đến nhận xét về tính thiển cận hay tâm lý tiểu nông thiết thực của Bờm.
Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò, chín trâu
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy trâu
Phú ông xin đổi ao sâu cá mè
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mè
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy lim
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười.
Bài ca dao Thằng Bờm lâu nay vẫn được giới nghiên cứu nhìn từ góc độ quan hệ trao đổi vật thể không ngang giá để đi đến nhận xét về tính thiển cận hay tâm lý tiểu nông thiết thực của Bờm. Song, ta có thể nhìn cuộc trao đổi thú vị này từ góc nhìn văn hóa để thấy cái vô giá của quạt mo khi nó là vật mang nhân cách và thân phận người nông dân.
Cách nhìn này có thể giúp ta hiểu phần nào cái "gàn dở" của bao người Việt Nam nghèo khổ, dù luôn mong cơ hội đổi đời vẫn quyết không chịu từ bỏ mảnh đất hoang cằn cỗi để lao theo những dự án tỷ đô của các vị “Phú ông” thời nay.
Khi nghe nói đến “cái quạt mo”, ta thường nghĩ ngay đến giá trị sử dụng bé nhỏ của nó, bé đến mức gần như vô giá trị. Vì thế, khi Phú ông đem những vật có giá trị sử dụng lớn như “ba bò chín trâu” ra đổi, ta thấy phi lý, buồn cười. Ta cười là bởi vì ta chỉ nhìn cái quạt mo của Bờm và trâu, bò, gỗ, cá... của Phú ông như những giá trị sử dụng có thể cân, đo, đong, đếm. Nhưng nếu như ta nhìn những thứ này như những đối tượng văn hoá - những kỷ vật, những biểu trưng... thì ta sẽ thấy đồng cảm với Bờm trong sự kiên định giữ lấy cái quạt mo, giữ bằng mọi giá.
Thực ra thì cuộc trao đổi có vẻ phi lý và hài hước đã và đang diễn ra trên thị trường văn hoá phương Tây. Chúng ta chẳng bật cười khi thấy người ta đấu giá trả đến mấy triệu đô la để mua một cái khuy áo hay một kỷ vật của danh hài nào đó? Ta bật cười vì ta còn mang cái nhìn thực dụng tiểu nông, chưa hiểu siêu giá trị của cái sản phẩm văn hoá và chưa hiểu siêu lợi nhuận của kinh doanh văn hoá. Các nhà tỷ phú chẳng dại gì ném tiền qua cửa sổ. Họ bỏ tiền ra để mua một kỷ vật của bác học Einstein hay Công nương Diana nếu không phải để nâng cấp bộ sưu tập hay bảo tàng của mình thì cũng để nâng cấp văn hoá và quyền lực đầu tư của mình nhằm tới một cái đích vô giá.
Phú ông trong bài ca dao Thằng Bờm cũng vậy thôi - ông ta tìm mọi cách mua cho được cái quạt mo không phải vì ngớ ngẩn, lừa đảo hay tham lam mù quáng như nhiều người đã phân tích, mà vì hắn muốn sở hữu cái quạt mo - biểu tượng của nhân vật Bờm, bản ngã văn hoá của Bờm. Có thể cái quạt mo là một kỷ vật thiêng liêng của cha ông để lại, hay một chiến lợi phẩm từ sự thất bại nhục nhã của Phú ông trong thuở hàn vi mà Phú ông muốn phi tang. Và dù cho cái quạt mo ấy chỉ là một vật dụng bình thường mà Bờm quyết giữ, thì nó cũng mang chứa đặc trưng nhân cách của Bờm, tước đoạt được nó là tước đoạt được một cách tượng trưng ý chí và bản lĩnh kiên định của Bờm, và biết đâu đó lại là cách Phú ông dùng của cải khuất phục được tên nông dân nổi danh cứng đầu cứng cổ, từ đó khuất phục số đông? Nghĩa là, cái quạt mo không còn là cái quạt mo - nó chính là biểu trưng của nhân cách, lịch sử và ý chí. Nỗ lực của Phú ông thực chất là nỗ lực tước đoạt bản ngã văn hoá của những nông dân nghèo khó như Bờm.
Phú ông tự đặt ra giá cao rồi giảm dần xuống từ "ba bò chín trâu", hạ xuống "nắm xôi". Đó không phải là lôgic đấu giá hay mặc cả. Đó là lôgic của tiếp biến văn hóa, thăm dò khát vọng của người dân với những vật cụ thể. Trong tư cách là những vật cụ thể thì những vật trao đổi Phú ông đưa ra là bình đẳng về giá trị trong tiêu chí cảm tính của người Việt. Thái độ cụ thể là một thái độ khá đặc trưng của người Việt - cùng là một nắm xôi, một miếng ăn, nhưng đặt trong thời gian và không gian cụ thể nó mang các giá trị khác nhau "miếng khi đói bằng gói khi no", "miếng giữa làng bằng sàng giữa chợ"... Với người Việt không có một công thức chung cứng nhắc, giáo điều hay một thứ cẩm nang bảo bối! Nội dung tính chất, giá trị của sự vật được người Việt kiểm chứng trong các quan hệ cụ thể, để "tùy", "lựa", "liệu" rất linh hoạt và linh ứng. Từ tâm thức văn hoá đó đẻ ra cách mặc cả kỳ quái như của Phú ông, đem cái cụ thể này đổi lấy cái cụ thể khác để kiểm chứng nhu cầu cụ thể của Bờm. Nói Phú ông tiếp biến văn hoá là theo nghĩa đó.
Xét từ góc độ giá trị văn hoá và sự tôn trọng thì cách thoả thuận của Phú ông là ngày càng đưa Bờm lên một bậc giá trị tinh thần cao hơn. Nếu như "ba bò chín trâu" là tư liệu sản xuất, thì "ao sâu cá mè" là thực phẩm, "bè gỗ lim" là vật liệu xây dựng, "chim đồi mồi" là thú ăn chơi đài các và "nắm xôi" là đồ thờ cúng, là thức ăn lễ Tết. Rõ ràng qua cách đổi thay vật trao đổi, Phú ông vừa tiếp thị văn hoá, vừa nâng cấp thân phận của Bờm. Lúc đầu, Bờm chỉ được Phú ông coi là kẻ vai u thịt bắp, cày ruộng chăn bò hay là kẻ lái trâu, sau đó Bờm được coi như con người, đã đến lúc lo việc xây dựng cơ ngơi, sau đó lại nâng cấp Bờm lên con người biết ăn chơi đài các như ai, và cuối cùng, mức cao nhất là nâng Bờm lên một người ăn thức ăn thanh cảnh trong lễ Tết. Và nếu như ta đã từng bán nhà, bán cửa, bán trâu bò để giành lấy một thanh danh, một "miếng giữa làng" thì sao Bờm lại không thể đổi quạt mo lấy nắm xôi kia, nhất là khi nắm xôi được đưa ra trong tư cách phủ định trâu bò, nhà cửa?
Điều thú vị là người nông dân Việt Nam hôm nay vẫn phải đối diện với những cuộc trao đổi quạt mo như của Bờm xưa. Những "Phú ông" tân thời cũng đưa ra những dự án tỷ đô kiểu dự án xây đường tàu cao tốc để gạ gẫm họ đánh đổi chút tài sản nhỏ nhoi cuối cùng lấy những tiện nghi sang trọng của đời sau, làm ra vẻ nâng cấp thân phận họ. Và những con người Việt Nam nghèo khổ hôm nay cũng vẫn khước từ những cuộc mời chào kiểu "con nhà lính tính nhà quan", sỹ diện và bất cần nhân tình của các "Phú ông" thời hội nhập. Song, nếu các "Phú ông" đưa ra những dự án vừa tầm, thiết thực để lo cho dân miếng cơm manh áo, giúp hàng triệu người nghèo khổ có tiền mua thuốc khi ốm, mua sách cho con đi học thì người dân sẽ sẵn sàng bán đi mảnh đất cuối cùng, kỷ vật cuối, những thứ gắn liền với ký ức và lịch sử của mình để lao theo họ, như một cuộc dấn thân vào đổi mới và hội nhập, vì dù sao họ cũng thấy mình được nâng cấp thân phận trong những dự án be con như những nắm xôi kia!